Thời gian gần đây,ạnchếxemáyđịnhdanhbiểnsốđểkhôngcòncảnhcướpđườngtrêtuổi trẻ đáng giá bao nhiêu tình trạng người điều khiển xe máy di chuyển vào đường vành đai 2 và vành đai 3 trên cao tại Hà Nội diễn ra tràn lan, mất kiểm soát, đặc biệt là vào những khung giờ cao điểm đầu giờ sáng và cuối giờ chiều. Nhiều trường hợp thậm chí còn bất chấp nguy hiểm, quay đầu đi ngược chiều, len lỏi giữa làn xe cộ đồng đúc để bỏ chạy khi thấy lực lượng CSGT chặn bắt vi phạm ở các lối lên, xuống.
Nhiều trường hợp người vi phạm khi bị CSGT lập biên bản xử phạt đã viện đủ lý do để bào chữa, trong đó phần lớn bao biện rằng "không biết đường cấm xe máy, không nhìn thấy biển cấm ở lối lên...". Cá nhân tôi tin rằng, tất cả xuất phát từ ý thức giao thông chứ đường đã có từ lâu, biển báo được đặt rất rõ ràng với kích thước lớn, chẳng ai không biết là đường không cho phép xe máy lưu thông.
Vấn đề ở đây là nhiều người đi xe máy thấy đường bên dưới ùn tắc là lao lên đường trên cao để đi cho nhanh với suy nghĩ sẽ không bị phát hiện, xử phạt (do không phải giao lộ tập trung nhiều CSGT). Thế nên đến khi bất ngờ gặp chốt của lực lượng chức năng, họ sẵn sàng quay đầu bỏ chạy ngược chiều, thậm chí quay ngược lên đường trên cao, đối đầu với dòng ôtô để tránh bị xử phạt. Đó là hành vi cố tình vi phạm, liều lĩnh và rất manh động.
Tâm lý chung của nhiều người khi tham gia giao thông là dù biết sai nhưng thấy người khác làm được là bản thân cũng làm theo (hiệu ứng đám đông). Câu hỏi đặt ra là làm gì để ngăn chặn những hành vi vi phạm giao thông với mức độ nghiêm trọng và ngày một gia tăng về số lượng này?
Thứ nhất, có một vấn đề có thể thấy rõ, đó là càng mở đường, làm nhiều cầu vượt, đường trên cao thì càng kẹt xe. Đi lại là nhu cầu của con người, đó là quy luật tất yếu dẫn đến tình trạng kẹt xe sẽ không bao giờ có thể chấm dứt nếu chỉ lo mở đường. Thay vào đó, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, ưu tiên cho phát triển các công trình, hệ thống giao thông công cộng mới là mấu chốt để giải bài toán kẹt xe.
Xe máy là một trong những nguyên nhân chính tạo ra sự lộn xộn trong giao thông, không chỉ ở Việt Nam mà còn tại các nước khác trong khu vực. Do vậy, hạn chế xe máy, tiến tới cấm phương tiện này lưu thông trong nội đô mới là quyết định đúng đắn mà các thành phố nên từng bước triển khai từ bây giờ.
Hạn chế xe cá nhân thì tình trạng để buôn bán trên vỉa hè, hàng rong, chợ cóc cũng sẽ dần biến mất. Thay vào đó, người dân sẽ hình thành thói quen mua sắm tại các chợ truyền thống, siêu thị tiện lợi. Các cửa hàng buôn bán đồ ăn, kinh doanh hàng hóa cần mặt bằng thuận tiện sẽ phải tính toán, cân nhắc các địa điểm phù hợp, thậm chí chuyển ra khu vực ngoại thành - nơi đường rộng, hạ tầng đã được nâng cấp, qua đó giảm tải cho trung tâm. Khi hạ tầng đô thị được nâng cấp, phương tiện công cộng được phát triển, có đường cho người đi bộ... bộ mặt thành phố sẽ văn minh hơn nhiều.
>> Hạn chế xe cá nhân là lối thoát duy nhất cho giao thông Việt
Thứ hai, chúng ta sẽ không thể trông chờ vào ý thức của người tham gia giao thông tự được nâng cao. Thay vào đó, để cải thiện ý thức lái xe của người Việt, luật pháp cũng cần nghiêm minh hơn nữa. Ý thức không phải tự nhiên mà có, nó phải được hình thành qua môi trường giáo dục, được tạo thành thói quen nhờ sự nghiêm khắc của pháp luật.
Cụ thể là chúng ta cần tăng mức xử phạt với các hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ, đến mức chỉ cần nghĩ đến mức phạt thì người ta đã sợ. Singapore là một ví dụ điển mình cho sự mạnh tay khi xử phạt vi phạm giao thông. Việc bị đánh mạnh vào túi tiền khiến người Singapore không dám vi phạm nữa và dần hình thành ý thức tuân thủ luật pháp.
Với các vi phạm như tại đường vành đai 2 và vành đai 3 trên cao ở ta, tôi cho rằng cần tạm giữ giấy phép lái xe, phương tiện cá nhân nếu đi vào đường cấm. Việc xử phạt mạnh tay là một cách giúp họ thay đổi tư duy về nghề nghiệp và giao thông.
Để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, tránh bỏ sót vi phạm dẫn đến nhờn luật, chúng ta cần gắn thêm nhiều camera giám sát dọc các trục giao thông. Đây sẽ là căn cứ để xử phạt nguội những vi phạm với cả người đi xe máy chứ không chỉ riêng ôtô. Chỉ cần có bằng chứng (hình ảnh, video) là có thể gửi giấy phạt về cho chủ phương tiện.
Mà để phạt nguội được xe máy, chúng ta lại càng thấy sự cần thiết của việc định danh biển số xe máy. Khi việc định danh được hoàn tất và thông tin phương tiện được cập nhật lên ứng dụng VNEID cũng như cổng dịch vụ công trực tuyến, việc truy tìm và xử phạt người vi phạm giao thông sẽ trở nên cực kỳ đơn giản và chính xác. Khi đó, lực lượng CSGT cũng không phải chia nhỏ ra chặn bắt ngoài đường, vừa nguy hiểm, vừa không đủ nhân sự, dễ để lọt vi phạm.
Tóm lại, sớm hoàn thành định danh biển số xe máy sẽ hạn chế được rất nhiều vi phạm giao thông như đi vào đường cấm, đường ngược chiều, vượt đèn đỏ, vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại... hỗn loạn như thời gian qua.
Bảo Nam
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.